Những nghiên cứu đầu tiên Hiệu ứng Barnum

Năm 1947, nhà tâm lý học Ross Stagner đã cho một số quản lý nhân sự làm bài kiểm tra tính cách cá nhân. Dù vậy, sau khi thu bài, ông lại đưa họ cùng một bản đánh giá chung lấy từ những lá số tử vi hoàng đạo, phân tích bút tích học... Ông cũng yêu cầu các đối tượng đánh giá mức độ chính xác của những nhận định đó. Hơn một nửa trong số họ đã thấy kết quả đó khá chính xác và gần như không có ai nói bản đánh giá sai.[8][9]

Năm 1948, trong một "thí nghiệm kinh điển",[10] nhà tâm lý học Bertram Forer đã cho 39 sinh viên của ông làm một bài kiểm tra tâm lý tên là "Chẩn đoán khoảng trống trong sở thích", và nói mỗi người sẽ nhận được những đánh giá cho riêng mình. Một tuần sau, ông đưa cho mỗi người một bản phân tích và yêu cầu họ đánh giá mức độ chính xác. Trên thực tế, những bản kết quả giống hệt nhau (hộp bên phải):[11]

Bản đánh giá họ nhận được:
  1. Bạn có nhu cầu được yêu thích và ngưỡng mộ rất lớn.
  2. Bạn có xu hướng chỉ trích bản thân.
  3. Bạn có tiềm năng rất lớn nhưng lại chưa được khai thác.
  4. Dù có một số nhược điểm trong tính cách nhưng bạn vẫn có thể che lấp khá hiệu quả.
  5. Sự điều chỉnh tình dục của bạn gây ra nan đề cho bản thân.
  6. Dù bên ngoài là người có kỷ luật, biết tự chủ, bạn lại thường hay lo lắng và bất an.
  7. Nhiều khi bạn vẫn nghi ngờ những quyết định trước đây, không biết liệu mình đã làm đúng hay chưa.
  8. Bạn thích có một số thay đổi nhất định, ghét bị kiểm soát, luật lệ và quy tắc.
  9. Bạn tự hào rằng bản thân là một người có lối suy nghĩ độc lập, không dễ đồng ý với người khác mà không có luận cứ đầy đủ.
  10. Bạn cho rằng không nên quá cởi mở với người khác.
  11. Có những lúc bạn hướng ngoại, hoà đồng, dễ nói chuyện, nhưng cũng nhiều khi bạn hướng nội, cẩn trọng và kín đáo.
  12. Bạn có một số khát vọng không thực tế.
  13. An ninh an toàn là một trong những mục tiêu lớn nhất của bạn.

Các đối tượng thí nghiệm đã đánh giá những nhận định chung chung này có độ chính xác lên tới 4.3 trên thang điểm 5. Chỉ sau khi nộp lại kết quả đánh giá, họ mới biết mình được phát cùng một bản phân tích. Forer đã tổng hợp 13 mệnh đề bên từ một quyển sách chiêm tinh bán ở sạp báo.[11] Những nhận định đó rất tổng quát, mơ hồ và có thể đúng với hầu hết mọi người.

Forer tin rằng đây là hệ quả của sự cả tin.[12] Hiệu ứng này được cho là đã xác nhận "nguyên tắc Pollyanna". Theo nguyên tắc này, người ta có xu hướng "chấp nhận những phản hồi tích cực nhiều hơn so với tiêu cực".[8]